Quan điểm gây tranh cãi bùng nổ Threads: Thà học kém trong lớp giỏi, còn hơn học giỏi ở lớp kém?
Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
- Đang nằm xoài ra đất ăn vạ, nhìn thấy thứ bà nội cầm trên tay, cô bé 2 tuổi có phản ứng khiến mọi người cười rũ rượi
- Tập phim “Sex and the City” này thực sự đã khiến tôi tỉnh ngộ: Đây chính là lý do con gái tôi lúc nào cũng cáu bẳn với bố mẹ!
- Một ứng viên làm đơn xin rút công nhận chức danh Phó giáo sư
Quan điểm học “trường top” hay “trường thường” từ lâu đã nhận được sự quan tâm của dân tình và mới đây, chủ đề này một lần nữa lại được đem ra mổ xẻ.
Cụ thể trên Threads, một người dùng đã đăng tải dòng trạng thái: “Thà học kém trong lớp giỏi, còn hơn học giỏi ở lớp kém” (ngôn từ đã được thay đổi đề phù hợp). Dù chỉ là một câu nói “bâng quơ” mà không có bất kỳ lời giải thích nào cho luận điểm trên, nhưng nó thu hút sự quan tâm của netizen. Hiện tại, bài đăng đã thu về gần 9 nghìn lượt thích, cùng hàng trăm bình luận.
Trong số vô vàn bình luận, dân tình chủ yếu chia ra làm 2 luồng tranh cãi chính. Một mặt khuyên các bạn trẻ phải cố gắng thật nhiều để vào được trường top, ngành hot. Ngay kể cả lực học của mình có “bết bát”, nhưng ít ra là “bết bát” trong một lớp toàn nhân tài, tức là so với mặt bằng chung bạn đã hơn khối người.
Ngược lại, cũng có không ít quan điểm cho rằng “trường top” hay “trường thường” thật ra cũng chỉ là một cái nhãn được mọi người gắn vào. Việc có thành tích nổi bật nhất nhì trong một nhóm người, thì đồng nghĩa với việc bạn cũng “không phải dạng vừa”.
Thêm vào đó, cũng có không ít người cho rằng học ở đâu cũng được, quan trọng là bạn cố gắng ra sao mà thôi.
Học ở trường top với toàn “học bá” lúc nào cũng hơn
Hơn một nửa quan điểm cho rằng cho dù có thế nào đi chăng nữa, việc có cơ hội được học tập trong một lớp toàn người giỏi kiểu gì cũng tốt hơn. Bởi lẽ, chẳng có lý do gì mà người ta lại phân ra lớp dành riêng cho những bạn có học lực tốt. Ngay kể cả khi học không nổi trội, thì chí ít vẫn là “không nổi trội” trong một nhóm toàn người “ưu tú”, so với mặt bằng chung, bạn vẫn hơn rất nhiều người.
Ngoài ra, việc được học tập trong môi trường như vậy giúp các bạn mở mang đầu óc, đồng thời thúc đẩy bạn nỗ lực không ngừng nghỉ để phát triển bản thân mỗi ngày.
– Mình đồng ý 2 tay với quan điểm này. Mình thấy việc học ở trong một lớp toàn người giỏi, tuy rằng mình không giỏi bằng nhưng thấy mọi người học chăm quá trời, mình cũng phải học. Hơn nữa, học trong lớp giỏi còn có người để hỏi bài nữa chứ.
– Cấp 2 mình học trường không top, còn cấp 3 mình may mắn thi đậu vào trường có “name” xịn nhất nhì tỉnh. Dù cấp 2 mình học cũng gọi là nổi trội trong trường, nhưng lên cấp 3 mình vẫn sốc toàn tập vì mọi người xung quanh quá đỉnh. Mình nhận ra là dù mình giỏi trong lớp kém bao nhiêu thì mình vào môi trường giỏi vẫn là đứa kém. Và ngược lại, học kém trong lớp giỏi, thì vào môi trường khác, mình vẫn là đứa giỏi.
– Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, biết được mình không nổi trội còn có cơ sở để cố gắng ấy mọi người. Chứ khi bạn giỏi ở lớp “kém” lâu dần có thể xuất hiện tâm lý ngủ quên trên chiến thắng, không biết là mình có nhiều khuyết điểm, bởi vì xung quanh mọi người ai cũng thế. Biết được mình còn nhiều khiếm khuyết là điều bạn nên biết ơn đấy.
– Học không tốt trong 1 lớp giỏi có nghĩa là chúng ta có nhiều điều để học hỏi và không gian để phát triển, tiến lên. Điều đó đồng nghĩa với việc, chúng ta có thể chạm tới những giới hạn không tưởng của bản thân, chứ học giỏi trong lớp bình thường thì bạn không thể biết được những tiềm năng khác của bản thân. Với cả mình thấy các bạn ở trường top thường có EQ khá cao, mọi người biết cách đối nhân xử thế, mình chỉ học kiến thức và học cả cách ứng xử ăn nói.
Không phải ai cũng dễ dàng đối diện được với áp lực trong môi trường học tập cạnh tranh
Ở một diễn biến khác, phân nửa netizen cho rằng học “kém” ở trường top thật sự rất áp lực. Có khi bạn cố gắng hoài, cố gắng mãi cũng đứng ở phía sau so với mọi người. Như vậy sẽ sinh ra nhiều áp lực, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của mọi người.
– Cảm giác học dốt nhất trong lớp đáng sợ quá trời luôn ấy. Kiểu thầy vừa đưa ra một bài toán, mình chưa kịp đọc đề bài các bạn đã ra đáp án rồi. Mình áp lực kinh khủng luôn.
– Việc học kém trong một lớp giỏi thì cũng đồng nghĩ với việc bạn phải nỗ lực hơn rất nhiều, thậm chí còn sinh ra áp lực vì cố lắm cũng không thể bằng người ta được.
– Cái gì cũng có 2 mặt của nó, muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được phải chịu được áp lực không phải ai cũng có thể chịu được. Liệu rằng, học không tốt trong môi trường toàn người giỏi, bạn có chịu được áp lực luôn ở phía sau người khác không.
– Ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau, không phải ai cũng có khả năng chịu được áp lực trong một môi trường cạnh tranh mà ai cũng giỏi cả. Với cả ai cũng muốn vào lớp giỏi, thì ai sẽ học các lớp còn lại?
Tóm lại, giống như một đồng xu 2 mặt, việc học tập ở môi trường nào cũng có ưu – nhược điểm riêng, không có môi trường nào là tốt nhất hay tệ nhất cả. Điều quan trọng là mỗi người cần tự nhận thức được khả năng và mục tiêu của bản thân để lựa chọn môi trường học tập phù hợp, đồng thời phát triển toàn diện, không chỉ là về mặt học vấn mà còn cả kỹ năng sống và khả năng thích nghi trước những biến động của thời đại.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về quan điểm này?
bài đăng cùng chuyên mục
Không có bài viết nào được tìm thấy.