Bị hội phụ huynh cô lập vì không góp tiền mua quà tặng giáo viên ngày 20/11
Không đóng tiền mua quà tặng giáo viên ngày 20/11, chị Thảo, chị Tuyết trở thành tâm điểm bàn tán của hội phụ huynh, thậm chí bị cô lập.
- Đang nằm xoài ra đất ăn vạ, nhìn thấy thứ bà nội cầm trên tay, cô bé 2 tuổi có phản ứng khiến mọi người cười rũ rượi
- Tập phim “Sex and the City” này thực sự đã khiến tôi tỉnh ngộ: Đây chính là lý do con gái tôi lúc nào cũng cáu bẳn với bố mẹ!
- Một ứng viên làm đơn xin rút công nhận chức danh Phó giáo sư
Vừa sang đầu tháng 11, chị Trần Thu Thảo (37 tuổi, Hà Nội) đã được thêm vào 2 – 3 nhóm chat phụ huynh để bàn việc đóng tiền mua quà tặng giáo viên chủ nhiệm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới. Trước đó trong dịp 20/10 chị đã phải thoát không ít nhóm vì lý do tương tự, lần này lại bị thêm vào nhóm, chị Thảo khá bức xúc.
Theo chị Thảo, các nhóm này không phải do ban đại diện cha mẹ học sinh lập mà do các phụ huynh trong lớp tự lập và mời các cha mẹ “tiềm năng” tham gia. Mỗi nhóm chỉ có khoảng 5-7 phụ huynh, không quá nhiều.
Mở đầu mỗi cuộc trò chuyện đều là tin nhắn vận động của đại diện nhóm, ai cũng lấy lý do tri ân cô giáo sau một học kỳ vất vả, chúc mừng cô nhân ngày lễ lớn. Tuy nhiên để tri ân, mỗi người cần đóng 300.000 hoặc 500.000 đồng tuỳ nhóm. Các phụ huynh tham gia đều có điều kiện kinh tế tốt, đa số hưởng ứng phong trào đóng góp với mong muốn kỳ học tới cô sẽ để mắt con mình hơn.
Ban đầu chị Thảo thắc mắc sao những phụ huynh có nhu cầu không tự đi quà riêng. Chị được một số phụ huynh lý giải rằng nếu đi riêng lẻ, giá trị 300.000 – 500.000 đồng thì lo quà nhỏ quá. Do đó các phụ huynh rủ nhau đóng góp để món quà gửi tới giáo viên được lớn hơn.
“Nếu muốn quà lớn sao không trích quỹ lớp đóng từ đầu năm để tặng”, chị Thảo đặt câu hỏi và được giải thích: Quà chung của cả lớp do hội phụ huynh đi nhưng đi cả tập thể như vậy cô giáo sẽ không nhớ mặt các học sinh khác, chỉ nhớ một vài đại diện hội phụ huynh tặng quà. Để không “thiệt thòi”, các phụ huynh quyết định chi thêm khoản tặng quà riêng, đi theo nhóm, ghi rõ tên cô giáo sẽ lưu tâm hơn.
Chị Thảo không đồng tình với cách làm của những phụ huynh kia. “Họ khiến tôi cảm giác như đang đi mua điểm cho con. Ngày 20/11 cũng không còn ý nghĩa khi phụ huynh quá quan trọng vật chất, bởi vậy tôi nhất quyết không tham gia”, sau 3 lần từ chối và rời các nhóm chat, chị Thảo lo lắng việc mình sẽ bị các phụ huynh trong lớp cô lập.
Không còn là nỗi lo, chị Hoàng Tuyết (41 tuổi, Bắc Ninh) thực sự bị nhiều phụ huynh cô lập chỉ vì không đóng góp khoản 250.000 đồng tiền quà tặng giáo viên ngày 20/11. Nhà không mấy khả giá, chị Tuyết là mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con ăn học nên 250.000 không phải số tiền nhỏ với gia đình chị.
Đầu năm học chị đã vay mượn để cố gắng đóng 1,5 triệu đồng quỹ cha mẹ học sinh, giờ nếu đóng thêm khoản này sẽ quá sức.
Dù đã trình bày rõ hoàn cảnh gia đình mong hội phụ huynh thông cảm nhưng 5 lần 7 lượt chị Tuyết nhận được điện thoại từ phụ huynh cùng lớp “nhắc nhở” việc đóng tiền. Có người nói việc chị Tuyết không đóng tiền làm ảnh hướng đến tiến độ mua quà của cả lớp, nặng lời hơn là nói chị là “con sâu làm rầu nồi canh”. Điều này khiến chị Tuyết vừa tủi thân vừa ức chế.
“Việc tri ân ngày nhà giáo là điều thiêng liêng đẹp đẽ, tôi không hiểu từ bao giờ việc này lại biến thành những cuộc trao đổi. Đây vốn là việc tự nguyện, ai có điều kiện có thể tri ân bằng món quà lớn, những ai không có tiền có thể tri ân bằng lời chúc, lời cảm ơn”, chị Tuyết nghĩ trong ngày 20/11 các thầy cô cũng chỉ mong học trò chăm ngoan học giỏi bởi nghề giáo là nghề cao quý, không phải ai cũng ham mê vật chất.
Do vậy, mặc kệ những lời dè bỉu của phụ huynh khác, chị Tuyết vẫn cho rằng, không tham gia đóng góp không phải điều sai trái đáng bị lên án.
Cô Trần Thu Hoài (Giáo viên trường liên cấp Lê Thánh Tông) chia sẻ, ngày 20/11 là dịp để người làm nghề giáo nhìn lại quá trình giảng dạy của mình, được học trò, phụ huynh, đồng nghiệp yêu mến kính trọng là món quà quý giá nhất. Không ít lần cô Hoài nhận được món quà trị giá đắt trong ngày lễ này nhưng với cô, tình cảm là điều quan trọng nhất, lớn hơn cả vật chất do đó lần nào cô cũng gửi trả phụ huynh.
Dịp 20/11 năm nay, cô Hoài đã soạn sẵn những lời nhắn của mình tới phụ huynh, xin không nhận quà dù lớn hay nhỏ, chỉ nhận lời chúc. Giáo viên này mong muốn việc làm nhỏ của mình sẽ tạo ra sự công bằng trong lớp học, các phụ huynh cũng giảm bớt áp lực, không phải lo nghĩ về việc có nên tặng quà hay không và nên tặng gì cho thầy cô.
Nhà giáo Ưu tú Thái Đình Hướng, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lê Thị Riêng (Hòa Bình, Bạc Liêu) cho rằng, có lẽ do có nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng con em mình, muốn nhận được sự quan tâm dạy dỗ của thầy, cô nên đã đặt nặng vấn đề tri ân bằng những món quà quý giá, hay những chiếc phong bì. Tuy nhiên, đây không phải là “cách” mà tôn sư trọng đạo được thể hiện qua thái độ học tập, rèn luyện của học sinh, thái độ của phụ huynh với các thầy, cô giáo.
Thầy Hướng nhận thầy, với những người thầy, người cô có cái tâm, chân chính thì họ chẳng bao giờ bận tâm học sinh, phụ huynh tặng quà gì, giá trị thế nào. Điều thầy cô cần đó là sự đồng hành của phụ huynh trong dạy dỗ con em để cùng nhà trường giúp chúng nên người.
Còn với các em học sinh, món quà quý nhất để tri ân thầy cô là cố gắng chăm ngoan, học hành nghiêm túc, tiến bộ thì thầy, cô sẽ rất quý và thương yêu. “Vì vậy, tôi nghĩ các bậc phụ huynh và cả các em học sinh đừng nên bận tâm hay nặng lo vấn đề quà cáp trong các dịp lễ, tết”, thầy Hướng trải lòng.
bài đăng cùng chuyên mục
Không có bài viết nào được tìm thấy.