Tết trước tiêu 25 triệu vẫn thiếu nhưng Tết này cặp vợ chồng ở Hà Nội dự toán chỉ tiêu tối đa 10 triệu
Những ngày cuối năm, nhiều người có thêm mối bận tâm lớn, không gì khác vẫn chính là chuyện chi tiêu Tết.
Dịp cuối năm luôn nhộn nhịp và mang tới nhiều cung bậc cảm xúc tới tất cả mọi người thông qua các lễ hội khác nhau, trong đó có cả ngày Tết. Tuy nhiên, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, lương thưởng bị cắt giảm sâu, tình trạng sa thải vẫn âm thầm diễn ra tại nhiều doanh nghiệp, câu chuyện mua sắm chi tiêu thế nào lại được các bà nội trợ quan tâm hơn bao giờ hết. Chỉ có điều, năm nay, mọi lo lắng dường như đến sớm hơn bình thường.
Tết sớm, lo sớm!
Hà Nội bước sang những ngày đầu tiên của tháng 11, vợ chồng chị Phạm Nguyễn Phương Thảo, 35 tuổi, hiện đang sống tại nhà riêng thuộc khu vực Thanh Trì, Hà Nội cùng 2 bé sinh đôi vừa tròn 3 tuổi đã lên kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán 2025 – sớm hơn mọi năm 1 tháng.
“Vì siết mạnh chi tiêu nên vợ chồng tôi buộc phải tính toán sớm. Những thứ gì có thể sắm được ngay từ bây giờ để tránh giá tăng cao, tôi cũng sẽ mua luôn”, chị Thảo nói.
Chị Phương Thảo hiện đang làm quản lý tại một nhà hàng lớn ở quận Thanh Xuân. Chồng chị công tác trong ngành kỹ thuật cơ khí. Hiện tại, thu nhập bình quân của 2 vợ chồng chị mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, trong đó lương của chồng chị Thảo hiện duy trì ở mức 15 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với thời điểm trước dịch 7 triệu đồng.
“Trước đây, thu nhập của hai vợ chồng tôi khá hơn so với hiện tại khá nhiều. Lương của tôi may mắn không bị giảm nhưng chồng tôi thì khác. Chưa kể lương bị giảm mà công việc nhận ngoài cũng bị hạn chế nhiều. Kinh tế của gia đình tôi năm nay thực sự khó khăn”, chị Thảo chia sẻ điều may mắn nhất trong năm nay có lẽ là gia đình không có nhiều biến động, sức khỏe của cả nhà ổn định và khoản nợ vay ngân hàng để mua nhà đã trả hết vào cuối năm 2023.
Lương giảm mạnh, thưởng không chắc đã có, nhưng Tết vẫn phải tiêu
Mỗi năm có 1 cái Tết. Có lẽ bởi thế mà với tất cả mọi người, đây luôn là dịp phải chi tiêu nhiều nhất trong năm. Trung bình những năm kinh tế suôn sẻ, gia đình chị Phương Thảo sẽ chi khoảng 35 triệu đồng cho mỗi dịp Tết.
Chia sẻ về các khoản cần chi, chị Phương kể: “Tiền tiêu Tết của nhà tôi sẽ bao gồm tiền biếu bố mẹ 2 bên (mỗi bên 10 triệu đồng); tiền mừng tuổi (3 triệu đồng); tiền mua thực phẩm/bánh kẹo/hoa quả ngày Tết (5 triệu đồng); tiền mua sắm quần áo mới cho cả gia đình (5 triệu đồng); chi phí phát sinh khác (2 triệu đồng)”.
Những năm trước dịch, chị Thảo cho biết bản thân không phải lo lắng quá nhiều vì thường sẽ dùng khoản tiền thưởng cuối năm của 2 vợ chồng để bù vào. Khoản tiền lương tháng trước, trong và sau Tết vẫn được chi tiêu như bình thường. Tuy nhiên đã 3 năm gần đây, số tiền thưởng cuối năm không đủ, có năm thậm chí không có nên chị buộc phải thay đổi, tính toán lại bài toán chi tiêu.
“Năm ngoái, vì dự tính sai khoản thưởng cuối năm nên vợ chồng tôi cũng có nhiều sai lầm trong dịp chi tiêu Tết. Vậy nên dù đã cắt giảm 10 triệu đồng so với những năm trước đó thì khoảng sau Tết, 2 vợ chồng vẫn rất đau đầu với bài toán chi tiêu”, chị Thảo nói thêm. Đồng thời cho biết vì năm ngoái cả 2 vợ chồng đều không có thưởng Tết nên buộc phải dùng vào số tiền lương.
“2 vợ chồng vừa gom góp để tất toán nốt số tiền vay ngân hàng nên tới Tết không còn bất cứ khoản tiết kiệm nào, đành phải dùng toàn bộ tiền lương của cả 2 để tiêu Tết”, chị Thảo cho hay những ngày sau Tết phải rất chật vật, chi tiêu tằn tiện mới lo lót đủ. Tết vì thế mà bớt vui đi vài phần.
“Không muốn lặp lại cảnh đó nên vợ chồng tôi dự tính tiết kiệm riêng cho khoản tiền Tết luôn, coi như không có thưởng nữa. Dẫu sao, nếu có tiền thưởng thì coi đó là may mắn, để thành 1 khoản tiết kiệm, còn không thì cũng không sao, cả nhà vẫn vui vẻ mà đón Tết”, chị Thảo nói.
Vì lên kế hoạch đón Tết tiết kiệm, chị Thảo cho hay, năm nay cả nhà sẽ không đi đâu. Chị dự tính Tết năm nay chi tiêu giảm xuống còn (tối đa) 10 triệu đồng. Cụ thể như sau:
– Tiền mừng tuổi bố mẹ và các cháu: 6 triệu đồng.
– Quà biếu 2 bên gia đình: 1,5 – 2 triệu đồng.
“Vì dự định chỉ biếu bố mẹ 2 bên khoảng 2 triệu đồng/nhà nên mình sẽ mua quà biếu thêm. Để thiết thực hơn nữa thì mình sẽ cân nhắc mua những gì bố mẹ còn thiếu trong dịp Tết”, chị Thảo nói.
– Tiền sắm mâm ngũ quả, hoa tươi, bánh kẹo: 500.000 đồng.
– Tiền mua thực phẩm ăn Tết: 1.000.000 đồng. Trong đó các món như bánh chưng, giò chả, nem,… chị sẽ cùng mẹ đẻ sắm đồ rồi tự chuẩn bị. Cả nhà sẽ cùng nhau làm từ những việc nhỏ nhất, vừa để có thêm kỉ niệm, vừa giúp cải thiện không khí gia đình lại tiết kiệm chi phí.
– Tiền mua đào, hoa tươi chơi Tết: 500.000 đồng.
“Tới dịp Tết thường sẽ có rất nhiều loại hoa, nhưng tôi sẽ cố gắng chọn vài loài hoa giá rẻ thôi. Nhà cửa có chút hoa là thấy giàu sức sống rồi, cũng không quan trọng là hoa gì cho lắm. Còn hoa đào thì mình cũng hơi lo, năm nay bão lụt nhiều không biết giá cả sẽ thế nào. Nếu đắt quá thì chắc mình chỉ mua cành nhỏ để chưng cho có không khí thôi”, chị Thảo cho biết sẽ dùng đồ trang trí Tết cũ để làm mới không gian.
Đồng thời, các khoản như mua sắm hay làm đẹp cho ngày Tết cũng sẽ bị cắt dù thưởng có hay không.
“Sau vài năm kinh tế khó khăn, học sống tối giản từng ngày mình mới thấm, Tết chính xác nên là lúc để tất cả mọi người nghỉ ngơi cho đầu óc thư giãn chứ không nên đặt nặng phong tục lễ nghi quá. Nhu cầu sắm Tết hay biếu Tết cũng thế, tùy thuộc vào tình hình kinh tế nữa. Vốn dĩ tiền nong không nói lên việc bạn có hiếu thảo với bố mẹ, tôn trọng người già quý trọng trẻ nhỏ hay không… Tết là phải vui nên cứ xoay xở thế nào cho vừa vặn với khả năng tài chính của mình là được”, chị Thảo chia sẻ đồng thời cho biết quan điểm về Tết đã thay đổi rất nhiều so với trước đây.
Hiện tại, ngoài đi làm công việc chính, 2 vợ chồng chị Thảo cũng đang bán hàng online để kiếm thêm một khoản tiền nho nhỏ mỗi ngày. Toàn bộ số tiền này sẽ được cho vào tiền tiết kiệm để tiêu Tết, cùng với tiền lương dành dụm cố định mỗi tháng.
Với gia đình chị Thảo, Tết 2025 là một cái Tết tiết kiệm, phải lo từ sớm một cách nghiêm túc nhưng nghĩ tới khó khăn về kinh tế có thể gặp phải, chị Thảo chọn quyết tâm nỗ lực nhiều hơn để không phải đón năm mới trong cảnh thấp thỏm lo âu.
Thu nhập bấp bênh, không đủ sống, lại còn đang nợ nên tiết kiệm là chuyện quá xa vời.
bài đăng cùng chuyên mục
Không có bài viết nào được tìm thấy.