Vỏ bọc hoàn hảo cùng chiếc “bánh vẽ” của Công ty GFDI
Khi vỡ nợ, Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (Công ty GFDI) ở TP Đà Nẵng đã vay của 7.541 khách hàng, với tổng số tiền hơn 3.700 tỉ đồng.
Công ty GFDI được thành lập ngày 17-5-2018, vốn điều lệ ban đầu chỉ 1 tỉ đồng. Đến tháng 3-2019, công ty nâng vốn điều lệ lên 20 tỉ đồng. Đến tháng 10-2021, Công ty GFDI tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 40 tỉ đồng và 80 tỉ đồng vào tháng 12-2022. Ông Nguyễn Quang Hoàng là chủ doanh nghiệp, đồng thời giữ chức Tổng Giám đốc Công ty GFDI.
Không ngừng đánh bóng thương hiệu
Từ khi thành lập cho đến nay, ông Nguyễn Quang Hoàng đã xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết “hợp đồng vay tài sản”. Để thuận lợi trong việc vay vốn, Công ty GFDI đã tạo vỏ bọc bằng cách đánh bóng thương hiệu, quảng bá trên nhiều nền tảng mạng xã hội, với 6 lĩnh vực kinh doanh, công ty đều đưa ra các “bánh vẽ” với mức sinh lợi cao.
Đặc biệt, Công ty GFDI liên tục quảng bá các lĩnh vực mà người dân ít am hiểu như thể thao, điện tử, liên kết đầu tư các lĩnh vực đang có xu hướng như thực phẩm sạch, các sản phẩm thân thiện môi trường…
Đồng thời, Công ty GFDI tung ra các gói huy động vốn ở mức lãi suất cao từ 30%-50%/năm. Để né tránh việc huy động vốn với lãi suất cao, Công ty GFDI ghi luôn tiền lãi vào vốn gốc làm cho người vay tiền càng tin tưởng.
Dù liên tục quảng bá “ăn nên làm ra”, tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình kinh doanh, ông Hoàng và vợ là bà Trần Thị Kiều Trang (chức vụ trợ lý tổng giám đốc) đã từng thế chấp một ô tô hiệu BMW vào tháng 11-2019 và một căn hộ vào tháng 3-2023 cho ngân hàng để bảo lãnh các khoản vay, trước khi Công ty GFDI vỡ nợ.
Theo Công an TP Đà Nẵng, từ tháng 11-2023, Công ty GFDI đầu tư thua lỗ, mất khả năng tài chính nên để duy trì hoạt động, Nguyễn Quang Hoàng đã chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước. Đến đầu tháng 11-2024, Công ty GFDI mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền hơn 3.700 tỉ đồng.
Đưa cả nhân viên vào tròng
Thành lập tại TP Đà Nẵng rồi nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, Công ty GFDI đã dùng nhiều chiêu trò, thủ thuật để lôi kéo người dân cùng góp vốn. Chị T. – nữ nhân viên Công ty GFDI – cho biết công ty đang nợ của gia đình hơn 2,5 tỉ đồng. Cụ thể, ban đầu công ty giao chỉ tiêu phải huy động tiền góp vốn từ 150-300 triệu đồng/tháng và sau đó tăng dần lên.
Nếu đạt được chỉ tiêu, nhân viên được lãnh khoản đãi ngộ, hoa hồng hấp dẫn lên đến gần 50 triệu đồng. Thấy lợi, chị T. mời mọi người trong gia đình lẫn bạn bè tham gia. Bản thân thì cầm cố giấy tờ nhà, đất để đầu tư. “Bây giờ, tôi mất tiền, mất việc, không còn uy tín với gia đình, người quen. Tôi mất tất cả!” – chị T. nói.
Tương tự, ông V.H (trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cũng là nạn nhân của Công ty GFDI. Theo ông H., trước khi “có biến”, Công ty GFDI vẫn tung ra chương trình ưu đãi tháng 11, mời khách hàng ký mới hợp đồng. Với các hợp đồng đầu tư từ 150 triệu đồng trở lên, Công ty GFDI “chiết khấu” lên đến 1,5% giá trị hợp đồng.
Đáng nói, chương trình ưu đãi được triển khai rất chóng vánh. Ngày 2-11, thông báo sẽ áp dụng chương trình ưu đãi vào ngày 4 và 5-11. Ngay sau đó, tối 5-11, ông Nguyễn Quang Hoàng ký thông báo 595 về việc tạm ngừng giao dịch trên hệ thống. “Thậm chí, Công ty GFDI còn tung ra các gói “trải nghiệm” chỉ 1 tháng là có thể đáo hạn hợp đồng. Đây thực sự là chiêu “hốt cú chót” của ông Hoàng và các cá nhân có liên quan!” – ông H. bức xúc.
Cơ hội nào cho nạn nhân?
Vào cuộc điều tra, Công an TP Đà Nẵng đã khám xét khẩn cấp trụ sở chính, sở giao dịch của Công ty GFDI và nhà riêng của ông Nguyễn Quang Hoàng cùng các đối tượng liên quan. Đồng thời, Công an TP Đà Nẵng yêu cầu người dân bình tĩnh, trình báo theo đúng quy định. Công an sẽ tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý hành vi sai phạm của Nguyễn Quang Hoàng cùng các tổ chức, cá nhân liên quan; tích cực xác minh, thu hồi tài sản phục vụ giải quyết hậu quả, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, cho hay khách hàng chỉ có thể thu hồi được tiền khi cơ quan điều tra truy và thu được nguồn tiền đã bị mất. Điều dễ nhận thấy, trong vụ việc xảy ra tại Công ty GFDI là công ty này đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về mặt hình ảnh để gây dựng niềm tin.
Chiêu trò lấy tiền người sau trả lợi nhuận cho người trước thời gian đầu vừa nhanh vừa dễ đã tạo nên sự tin tưởng của nhà đầu tư. Đây là dấu hiệu của kiểu đa cấp biến tướng và khi “vỡ trận” thì hậu quả rất nặng nề. “Do đó, nếu điều tra làm rõ, thu hồi, phong tỏa được các nguồn tiền chuyển đi thì mới có cơ hội để xử lý bồi thường cho các nạn nhân một cách hiệu quả” – luật sư Trần Hậu cho biết.
Nhân viên có chịu trách nhiệm?
Theo luật sư Trần Hậu, ông Nguyễn Quang Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty GFDI, có thể đối diện với 2 tội danh. Nếu xác định có hành vi gian dối, ý định chiếm đoạt tài sản trước khi ký các hợp đồng vay tiền, có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hình phạt cao nhất có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân theo quy định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nếu sau khi vay tiền mới có ý định chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và có thể có mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Đồng thời, cá nhân có hành vi sai phạm phải có trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Đối với nhân viên Công ty GFDI, nếu họ hoàn toàn không biết mục đích của việc huy động tiền, chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo công ty thì có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo dự báo, đợt mưa lớn ở khu vực Trung Bộ còn tiếp diễn từ 2-3 ngày tới.
bài đăng cùng chuyên mục
Không có bài viết nào được tìm thấy.