Chồng chéo trong tuyển dụng và phân bổ giáo viên, tháo gỡ thế nào?

Hà Cường/VTC News, 21:15 09/11/2024
Các chuyên gia hiến kế giúp tháo gỡ nút thắt trong việc tuyển dụng, điều động và bố trí giáo viên, giải bài toán thừa thiếu cục bộ ở các địa phương.

Sáng nay, trong khuôn khổ Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Điểm mới đáng chú ý trong bản dự thảo Luật Nhà giáo lần này là nội dung tuyển dụng nhà giáo.

Theo đó, thẩm quyền tuyển dụng giáo viên công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì hoặc phân cấp, ủy quyền cho cơ sở giáo dục. Với cơ sở giáo dục tự chủ, hiệu trưởng được thực hiện việc tuyển dụng. Với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng do nhà trường chủ trì theo quy chế tổ chức, hoạt động của trường.

Chồng chéo trong tuyển dụng và phân bổ giáo viên, tháo gỡ thế nào? - Ảnh 1.

Chồng chéo trong thẩm quyền tuyển dụng, bố trí giáo viên. (Ảnh minh hoạ)

Chồng chéo tuyển dụng, bố trí giáo viên

Thực tế quản lý ở địa phương, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhận định, công tác quản lý nhà nước về nhà giáo còn hạn chế, bất cập.

Việc quản lý nhà giáo đang bị chi phối bởi nhiều luật (Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động…) dẫn đến khó khăn trong triển khai và tổ chức thực hiện ở cơ sở. Các văn bản cũng chưa quy định rõ thế nào là nhà giáo, ai được gọi là nhà giáo, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh.

“Việc quản lý biên chế còn chồng chéo giữa ngành Nội vụ và Giáo dục. Ngành Giáo dục được giao tổng biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại về ngành Nội vụ”, ông Bằng nhận định.

Theo quy định phân cấp hiện nay, Sở GD&ĐT quản lý cán bộ, giáo viên và học sinh cấp THPT trên địa bàn, các cấp học còn lại do phòng GD&ĐT huyện quản lý. Do đó, ngành Giáo dục rơi vào tình thế không chủ động việc phân bổ, điều động, bố trí sử dụng (tuyển dụng, biệt phái…) biên chế giáo viên, nhất là giáo viên THCS, tiểu học, mầm non để thực hiện nhiệm vụ hằng năm giữa các địa phương trong tỉnh.

Ông lấy ví dụ, trường mầm non A thuộc huyện B năm học 2024-2025 thiếu giáo viên, nhưng ngành không thể điều động hay luân chuyển giáo viên mầm non của huyện C tăng cường, do thẩm quyền quản lý, cũng như chính sách do phòng GD&ĐT và UBND huyện C quản lý.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ thực trạng tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa gắn với chỉ tiêu về quy mô tăng dân số, quy mô số trường, số lớp mà thực hiện cắt giảm cơ học. Nhiều cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định. Hiện, Điện Biên còn thiếu 2.008 giáo viên, trong đó mầm non 980 giáo viên, tiểu học 533, THCS 233 và THPT 262.

Từ những bất cập trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đồng tình với đề xuất, xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương. Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GD&ĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh, cơ cấu lại tổ chức, tăng số lượng biên chế quản lý nhà nước cho phòng GD&ĐT cấp huyện; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT.

“Xem xét không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW đối với các tỉnh mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn và không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên”, ông nhấn mạnh.

Chồng chéo trong tuyển dụng và phân bổ giáo viên, tháo gỡ thế nào? - Ảnh 2.

Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đồng ý đề xuất giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục. (Ảnh minh hoạ)

Gỡ nút thắt tuyển dụng giáo viên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, việc giao thẩm quyền tuyển dụng về cho ngành GD&ĐT sẽ giúp chủ động trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý. Từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối hợp lý các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng; điều tiết giáo viên kịp thời, hợp lý.

“Nếu chính sách này được thông qua ở Luật Nhà giáo có thể khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua. Đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Đồng tình với đề xuất giao ngành giáo dục được tự quyết việc tuyển dụng giáo viên, đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, để việc tuyển dụng hiệu quả, cần quy định nội dung, hình thức và các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng riêng. Các tiêu chí cần đảm bảo phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, giảm thiểu các yêu cầu về hành chính, công vụ, tăng cường các yêu cầu và đánh giá về năng lực sư phạm.

Về thẩm quyền tuyển dụng, phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan quản lý giáo dục quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.

Khi nhà giáo được bổ nhiệm cán bộ quản lý thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán để quy định giữ lại một số chính sách với nhà giáo được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý giáo dục.

“Dự thảo Luật Nhà giáo là cơ sở để nâng cao vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo động lực để họ yên tâm công tác, có nhiều đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Dự thảo bước đầu tạo được không khí phấn khởi cho hơn 1,6 triệu nhà giáo; nhận được sự đồng thuận ủng hộ của cha mẹ học sinh và nhân dân”, ông Thái Văn Thành đánh giá.

Dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GD&ĐT đề xuất xây dựng từ năm 2022. Có 5 nhóm chính sách mà cơ quan này đưa ra, gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo; Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Dự Luật Nhà giáo dự kiến thảo luận và thông qua trong 2 kỳ họp (kỳ họp 8, 9, Quốc hội khoá XV).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Video nổi bật trong tuần

Kỳ Duyên lên tiếng chi tiết “được ưu ái” gây bàn tán tại Chung kết Miss Universe

Kỳ Duyên lên tiếng chi tiết “được ưu ái” gây bàn tán tại Chung kết Miss Universe
Cận cảnh nhan sắc “búp bê barbie sống” Đan Mạch đăng quang Miss Universe 2024
Lịch trình làm việc của Thanh Thủy sau khi đăng quang Miss International
Người đẹp châu Á duy nhất được gọi tên trong Top 5 Miss Universe 2024
Hoà Minzy đăng video thừa nhận: “Xin lỗi khán giả, không thể lừa dối mọi người thêm nữa”

bài đăng cùng chuyên mục

Không có bài viết nào được tìm thấy.