Đề xuất tăng trách nhiệm xã hội với người kết hôn muộn, liệu có phi lý?

Thanh Phượng, 15:03 06/11/2024
Vì sao lại có đề xuất tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với những người không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn và tính khả thi đến đâu? TS.BS Nguyễn Thu Giang, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng, trả lời phóng viên VOV2.

PV : Trước đề xuất của Bộ Y tế về tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với những người không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn, bà có góc nhìn như thế nào?

TS Nguyễn Thu Giang : Thứ nhất, chúng ta sẽ bàn luận là đề xuất này đưa ra trong bối cảnh nào. Xã hội chúng ta hiện nay, độ tuổi kết hôn đang ngày càng muộn lại và muộn lại một cách rất đáng kể. Ví dụ, tại TP.HCM, độ tuổi kết hôn lần đầu tiên lên tới 30,4 tuổi, Hà Nội là 27,9 tuổi, khác biệt hẳn so với 10- 20 năm trước đây.

Thứ hai, chúng ta thấy, khi các bạn trẻ độc lập tự chủ kết hôn muộn, chất lượng cuộc sống có thể tăng nhưng kéo theo đó nhiều thứ mà không gọi là thuế, nhưng là những khoản chi phí đáng kể vì kết hôn muộn. Ví dụ chúng ta thấy là câu chuyện các bạn có thể thuê nhà ở độc thân.

Từ góc độ quản lý nhà nước, tôi chưa nói đến vấn đề dân số nhất nhưng chúng ta sẽ nhìn thấy là làm gia tăng gánh nặng về giao thông. Ví dụ, một gia đình thì có thể cùng chia sẻ phương tiện với nhau hay áp lực về mặt y tế sẽ tăng lên một cách đáng kể khi mà kết hôn muộn.

Một ví dụ đơn giản nhất là khi bạn đi nhà hàng, thường thiết kế cho 2 – 4 người. Từ đó để thấy câu chuyện là một mình hay là 2 người hay là gia đình đang kéo theo rất nhiều các khía cạnh khác nhau mà chúng ta sẽ cần phải nhìn nhận rõ hơn.

Đề xuất tăng trách nhiệm xã hội với người kết hôn muộn, liệu có phi lý? - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Thu Giang, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng

PV : Bộ Y tế đưa ra đề xuất trong một phiên trả lời cử tri của TP.HCM về việc đề nghị cần phải có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị không để tình trạng già hóa dân số. Đây mới là cái đích lớn hơn mà đề xuất này hướng tới, thưa bà?

TS. Nguyễn Thu Giang : Bên cạnh những điều tôi vừa nói về tuổi kết hôn muộn thì chúng ta đang đối mặt với một vấn đề già hóa dân số. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và bị cảnh báo rất nhiều bởi những bài học của việc già hóa dân số như thế này.

Theo tốc độ hiện tại, đến năm 2036 dân số Việt Nam sẽ thực sự không phải gọi là già hóa nữa mà thực sự là dân số già.

Hiện nay, tỷ lệ của những người độ tuổi từ 60 trở lên chiếm 11,92 %, dự kiến đến năm 2050 nó sẽ chiếm tới hơn 25%. Câu chuyện già hóa dân số này chúng ta sẽ nhìn thấy là gì? Do chúng ta tăng tuổi thọ, giảm tử vong nhưng nguyên nhân chính lại là do vấn đề về giảm tỷ lệ sinh.

Vì vậy, quay trở lại đề xuất của Bộ Y tế trong bối cảnh chúng ta đang đối mặt với già hóa dân số. Bên cạnh đó, tôi cũng phải chú thích một chút là thực ra trước đó chúng ta đã có công văn số 437 của Bộ Y tế hay các nhóm chính sách khác nhau khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 và chúng ta cũng có những Quyết định 2324 của Bộ Y tế vào năm 2020 về việc khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 và sinh con thứ hai trước tuổi 35.

Tại sao y học khuyến cáo không nên sinh con sau tuổi 35 bởi vì liên quan đến vấn đề dị tật của thai nhi, liên quan đến nguy cơ về tử vong mẹ. Vì thế, khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 và sinh con cuối cùng trước tuổi 35 là dựa trên căn cứ nền tảng khoa học.

Thứ hai, chúng ta biết rằng, những hệ lụy của già hóa dân số rất nhiều. Bao gồm thiếu lực lượng lao động, một xã hội bị đe dọa, cả một nền an sinh rất dễ vỡ và đặc biệt tôi cũng phải nhắc lại có tới khoảng 70% người cao tuổi không có lương hưu. Nếu như không kết hôn, sống độc thân, không sinh con thì gánh nặng về an sinh đó sẽ đổ về đâu?

Có thể hiện nay mọi người thấy trên các diễn đàn giật tít như vậy thì hiểu chưa hết. Chúng ta sẽ nhìn lại bối cảnh là liên tục trong suốt từ năm 2020 đến nay và thậm chí từ trước đó, Bộ Y tế đã có chính sách khuyến khích thúc đẩy. Tôi cũng có theo dõi và thấy mọi người nói rằng chúng ta bị động, lúng túng. Nhưng thực ra không hẳn như vậy. Tôi đánh giá, chúng ta khá chủ động khi mà câu chuyện già hóa dân số được đưa ra cách đây hàng chục năm và chúng ta đã từng bước có những biện pháp để giảm dần tốc độ già hóa dân số.

PV : Người phản đối nhiều nhất đề xuất này là những người độc thân, phải chăng đang có sự giằng co giữa một bên là quản lý nhà nước, một bên là những người không muốn kết hôn?

TS Nguyễn Thu Giang : Tôi nghĩ là không có gì giằng co ở đây. Chúng ta nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau. Với những tác động tích cực thì chúng ta đã thấy rồi, với từng góc độ cá nhân thì cũng có những khó khăn nhất định.

Chúng ta không nên đặt ra vấn đề là thuế độc thân, nói vui như thế thôi, chúng ta nên nói về trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, tôi nghĩ những người trẻ thì trách nhiệm xã hội rất nhiều. Các bạn cũng chỉ nhìn thấy vấn đề cá nhân nhưng lớn hơn là vấn đề của một gia đình, của một dòng họ, rồi lớn hơn nữa lại là câu chuyện về an sinh của một đất nước.

Tôi nghĩ rằng, cần có sự thông cảm, cần có sự hiểu thấu từng cá nhân để mọi người hiểu rằng cái quyền của chúng ta nằm trong bối cảnh.

Ở đây chúng ta cũng phải hiểu, để giải được bài toán già hóa dân số thì cần có rất nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề về khuyến khích trách nhiệm xã hội với những người độc thân, với những người kết hôn muộn hoặc là sinh con muộn. Điều này một phần cũng là đảm bảo cho chính các bạn trong tương lai, cho cả những thế hệ sau nữa. Cũng như đảm bảo cả về chất lượng cuộc sống và đảm bảo một sự cân bằng trong phát triển xã hội.

PV : Thực ra chính sách này thì cũng không quá mới mà nó đã được áp dụng tại một số các quốc gia nhưng mà liệu nó có thể áp dụng ở nước ta hay không và ở thời điểm này thì liệu đã phù hợp hay chưa, thưa bà?

TS. Nguyễn Thu Giang : Điều thứ nhất,  cần phải nhìn nhận từng chiều cạnh như tôi đã nói. Thứ hai là cần hài hòa quyền, lợi ích của tất cả các bên. Quyền của một cá nhân nhưng nằm trong bối cảnh của một đất nước và thậm chí là quyền của chính cá nhân đó trong một tương lai tiếp theo. Đặc biệt ở đây tôi nghĩ rằng, những cơ quan truyền thông rất quan trọng phải vào cuộc để làm rõ hơn tất cả các khía cạnh để cho mọi người có thể nhìn nhận rõ hơn, cân nhắc rõ hơn và sau đó chúng ta sẽ có những quyết định hoặc là sẽ có những bước đi phù hợp.

PV : Xin cảm ơn bà!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Video nổi bật trong tuần

Kỳ Duyên lên tiếng chi tiết “được ưu ái” gây bàn tán tại Chung kết Miss Universe

Kỳ Duyên lên tiếng chi tiết “được ưu ái” gây bàn tán tại Chung kết Miss Universe
Vừa xuất hiện video “giải oan” cho Kỳ Duyên, trang chủ Miss Universe lại có động thái gây thất vọng
Hoà Minzy đăng video thừa nhận: “Xin lỗi khán giả, không thể lừa dối mọi người thêm nữa”
Cận cảnh nhan sắc “búp bê barbie sống” Đan Mạch đăng quang Miss Universe 2024
Lịch trình làm việc của Thanh Thủy sau khi đăng quang Miss International

bài đăng cùng chuyên mục

Không có bài viết nào được tìm thấy.