Du học Singapore từ năm 15 tuổi, nam sinh tiết lộ sự thật bất ngờ: Không tự do như tưởng tượng, đi đâu cũng phải “khai báo” với giáo viên

Thanh Hương, 16:16 14/11/2024
Cuộc sống của du học sinh từ năm 15 tuổi ở Singapore sẽ ra sao?

Những năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng cho con đi du học từ khá sớm, ngay khi mới 14, 15 tuổi. Ưu điểm của việc du học từ bậc THCS là học sinh có thể có nền tảng tốt về học thuật và thuận lợi trong việc phát triển kỹ năng tiếng Anh, khi lên các cấp lớn hơn hay vào đại học, các em có thể đứng cùng vạch xuất phát như những học sinh bản xứ khác.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng lo ngại việc du học sớm ngoài những mặt lợi thì cũng có mặt hại và những đứa trẻ đi du học sớm khi sang nước ngoài sẽ sinh sống, tự lập ra sao? Rời xa vòng tay cha mẹ, ở độ tuổi 14, 15, các em sẽ trải qua những điều gì.

Những năm gần đây, Singapore được khá nhiều cha mẹ, học sinh lựa chọn làm điểm đến du học vì chất lượng giáo dục tốt và uy tín, cùng với nhiều triển vọng cơ hội việc làm sau này. Nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 ở Việt Nam cũng có cơ hội đi du học Singapore nhờ các học bổng ASEAN, A*STAR.

Một du học sinh thuộc hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore mới đây cũng có bài chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân khi đi du học tại “Đảo quốc Sư tử” từ năm 15 tuổi. Bạn trẻ này hiện đã tốt nghiệp đại học và cho biết, bản thân và nhiều du học sinh đã trải qua những cú sốc văn hóa từ khi còn rất nhỏ, nhưng đổi lại cũng gặt hái thêm vô vàn trải nghiệm thú vị.

Du học Singapore từ năm 15 tuổi, nam sinh tiết lộ sự thật bất ngờ: Không tự do như tưởng tượng, đi đâu cũng phải "khai báo" với giáo viên - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dưới đây là chia sẻ của em:

1. Bao nhiêu “Sick” (Ốm) cũng không bằng “Homesick” (Nhớ nhà)

Tự do, sự hứng thú, và cảm giác khám phá – đó là những điều mà mọi du học sinh đều tận hưởng khi bắt đầu hành trình mới của mình. Tuy nhiên, giữa những trải nghiệm mới mẻ và thú vị, có một điều tâm tư nhỏ bé mà mỗi chúng mình đều phải đối mặt – tóm gọn bằng ba chữ “nỗi-nhớ-nhà”.

Khi lướt mạng xã hội và thấy bạn bè chia sẻ về những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình, mình không thể tránh khỏi cảm giác chạnh lòng. Hoặc đôi khi, nhìn thấy các bạn đồng trang lứa tại Singapore được quay về với gia đình vào mỗi cuối tuần, chúng mình càng cảm thấy da diết và nhớ về nhà. Thế nhưng, nhớ nhà không phải là một cảm giác tiêu cực, mà dần dần, chúng mình đều biến nó thành nguồn động viên tinh thần để không ngừng cố gắng, không ngừng phấn đấu. Chúng mình dần hình thành được cách quản lí cảm xúc để những “nỗi nhớ” ấy ảnh hưởng đến quá trình học tập hằng ngày.

Cũng vì “nhớ nhà”, chúng mình chẳng muốn ba mẹ phải lo lắng, và chúng mình càng không thể để ba mẹ thất vọng vì mình được. Cũng vì “nhớ nhà”, sau này khi bước vào cánh cửa đại học, chúng mình sẽ không còn phải trải qua khủng hoảng to lớn ấy nữa, mà dần đã biết cách cân bằng rồi.

Vậy nên, “nhớ nhà” không phải quá tệ đâu, nhỉ? Dù cho bất kỳ cuộc phiêu lưu nào, nỗi nhớ nhà là ngọn đèn hi vọng, là động lực, giúp tất cả chúng mình vươn lên và đạt được những điều tuyệt vời trong tương lai. Đó là một cảm xúc tuyệt vời, làm cho mỗi khoảnh khắc khi quay về quê hương trở nên ý nghĩa hơn và luôn giữ cho tâm hồn luôn hướng về nơi gọi là “nhà”.

2. Tự do từ nhỏ, liệu có đúng như lời đồn?

Khi nhắc đến du học, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ bọn mình sẽ có được một cuộc sống tự do và bay nhảy, thế nhưng khi ở Singapore, chúng mình gần như phải “khai báo” tất cả những lần “xuất-nhập cảnh”. Tất-tần-tật những hoạt động của bọn mình đều phải được thông qua giáo viên, muốn sinh hoạt hoạt động ngoại khóa như ở Việt Nam lại càng khó vì phải xin phép giáo viên đã.

Thậm chí, chúng mình có một “giờ giới nghiêm” vô cùng kỉ luật nữa đó! Tùy vào các trường, bọn mình đã phải về ký túc xá từ lúc 8 giờ tối rồi!

Singapore là một đất nước có hệ thống an ninh vô cùng thắt chặt, vậy nên sự an toàn của chúng mình cần được đảm bảo trên hết. Chẳng hề tự do tí nào cả! Thế nhưng, chính vì thế là ba mẹ sẽ luôn an tâm khi gửi con sang một đất nước khác. Vì vậy nên các bậc phụ huynh cũng không cần phải quá lo lắng khi gửi con qua Singapore tí nào đâu.

3. Áp lực “đồng trang lứa” ngày càng tăng cao

Ngoài những khó khăn kể trên, đi du học từ sớm sẽ giúp chúng ta làm quen được với nhiều bạn bè và nhiều người mới. Mỗi người ở đây đều có một thế mạnh riêng, tạo nên điểm nhấn của từng người. Là một scholar – mình sẽ càng được tiếp xúc với những người thậm chí còn giỏi hơn mình, và dần khiến chúng mình nhận ra rằng, có rất nhiều thứ mình còn thiếu. Mình dần hình thành sợi dây vô hình mang tên “áp lực”, bởi mình luôn áp lực bản thân phải nổi bật.

Thực tế thì, chúng mình nhận ra rằng, mọi thứ đều “đã được sắp đặt” để chúng ta học được cái bản thân chưa tốt. Chẳng hạn, thể thao là một môn học mình “ghét cay ghét đắng”, nhưng “ghét của nào trời trao của đó”, sang đây phải học rất nhiều. Nhưng, những gì mình nhận được là những mối quan hệ quý giá trong cuộc sống của mình.

Mình được học hỏi từ những anh chị, những người giỏi hơn mình, phát triển hành trình học tập của bản thân qua các cuộc thi và từ đó lấy áp lực đồng trang lứa thành một động lực vô cùng to lớn trong việc học của mình!

Bên cạnh đó, việc giao lưu với “anh em bốn phương” sẽ giúp chúng ta phát triển về mặt ngôn ngữ tiếng Anh (thậm chí có cả tiếng Trung). Tuy có hơi Singlish (tiếng Anh bản ngữ ở Sinagpore) một chút, nhưng đôi khi ta sẽ nhận ra rằng “văn nói” rất khác so với “văn viết”, từ đó sẽ có rất nhiều lợi thế về global context – môi trường toàn cầu, thích hợp để sau này có thể tiếp tục du học ở phương khác!

4. Hành trình học tập làm người lớn ở tuổi 15

Tự mình chăm sóc mình, ăn một mình, nấu một mình, lắm lúc cũng xem phim một mình,… – Ở độ tuổi 15, chúng mình đã phải học cách tự lập từ bé. Ở độ tuổi 15, chúng mình đã phải làm quen với việc phải tự biết nấu ăn, tự biết quản lí chi tiêu, tự giặt áo quần,… Và điều này cũng vô tình làm chúng mình ngày càng cảm thấy trân trọng ba mẹ hơn, vì mình được biết cảm giác trải qua 1 ngày của họ, họ đã luôn phải làm đủ mọi thứ.

Chúng mình học cách mở lòng. Bản thân chúng mình phải dần biết cách bày tỏ cảm xúc, luôn lắng nghe những người xung quanh. Đặc biệt hơn, chúng mình sẽ luôn ở với bạn cùng phòng khi đi du học, vậy nên tính tình hợp nhau cũng là một yếu tố quan trọng để giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ hơn mỗi ngày. Chúng mình học cách chấp nhận.

Tính cách của con người ta thì đi đâu mình cũng sẽ “than phiền” về những mặt xấu của nó. Chẳng hạn như, mình siêu thích “chủ động” làm việc theo cách của mình, nhưng sang đây thì mọi thứ họ đã thiết lập hết rồi, vậy nên mình sẽ ít có cơ hội “bung xõa” hơn.

Có 1 câu mình thích là “learn the rules, then break it” (Tạm dịch: Học các quy tắc để bạn có thể phá vỡ chúng), vậy nên mình nghĩ cứ làm tốt theo cái họ muốn trước, vì dần mình sẽ hình thành tính kỉ luật, rồi sau khi có đủ sự tin tưởng rồi thì mình có thể sáng tạo theo ý mình! Chúng mình tập làm người lớn ở tuổi 15. Nhưng chúng mình không hề hối hận, vì chúng mình đều nhận lại được tất cả những điều tốt đẹp, và cảm thấy những gì bỏ ra là xứng đáng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Video nổi bật trong tuần

Kỳ Duyên lên tiếng chi tiết “được ưu ái” gây bàn tán tại Chung kết Miss Universe

Kỳ Duyên lên tiếng chi tiết “được ưu ái” gây bàn tán tại Chung kết Miss Universe
Cận cảnh nhan sắc “búp bê barbie sống” Đan Mạch đăng quang Miss Universe 2024
Lịch trình làm việc của Thanh Thủy sau khi đăng quang Miss International
Người đẹp châu Á duy nhất được gọi tên trong Top 5 Miss Universe 2024
Hoà Minzy đăng video thừa nhận: “Xin lỗi khán giả, không thể lừa dối mọi người thêm nữa”

bài đăng cùng chuyên mục

Không có bài viết nào được tìm thấy.