Giới trẻ đua nhau ‘đốt’ tiền mua đồ chơi đắt đỏ về chỉ để ngắm

Theo Hạo Nhiên/VTC News, 14:49 06/11/2024
Rất nhiều món đồ chơi đắt đỏ bỗng thành "hot trend", được giới trẻ không tiếc tiền mua, tạo làn sóng khoe những bộ sưu tập chỉ để trưng bày hoặc thỏa mãn sự tò mò.

Gần 7 tỷ đồng mua Labubu

Labubu là món đồ chơi nghệ thuật do nghệ sĩ Hong Kong tên Kasing Lung thiết kế, sáng tạo cho Công ty Pop Mart vào năm 2015. Món đồ chơi này được lấy cảm hứng từ con quái vật có răng nhọn của thần thoại Bắc Âu. Thời gian gần đây, Labubu ngày càng trở nên phổ biến ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Món đồ chơi này bỗng chốc “vụt sáng” và làm mưa làm gió trên thị trường khi nữ thần tượng của giới trẻ là Lisa (BlackPink) liên tục khoe Labubu trên trang cá nhân. Không ít bạn trẻ đã lập tức đổ xô đi lùng mua, thậm chí chi tới hàng trăm triệu đồng để sưu tầm các phiên bản của Labubu.

Và cũng từ nguồn cung đột biến, giá của món đồ chơi này đã tăng vọt. Giá gốc trên trang bán hàng điện tử là 380.000 đồng, song từ khi nhiều thần tượng lăng xê, em “quái vật” này càng khó mua. Mỗi đợt lên sàn chỉ sau vài giây đã bán sạch sẽ. Nếu không săn được trên sàn thương mại điện tử, nhiều người phải chấp nhận mua giá cao gấp 3 – 4 lần, vì đây là sản phẩm có số lượng giới hạn.

Thậm chí, với những sản phẩm chính hãng, giá có thể lên tới hàng chục triệu đồng.

Giới trẻ đua nhau 'đốt' tiền mua đồ chơi đắt đỏ về chỉ để ngắm - Ảnh 1.

Gấu bông Labubu của Popmart. (Ảnh: Popmart)

Tuy giá đắt nhưng Labubu vẫn được săn lùng rất mạnh mẽ. Cuối tháng 8, Pop Mart công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024 với doanh thu tăng 62%, đạt mức 4,56 tỷ NDT (khoảng 15.900 tỷ đồng).

Trong khi đó, theo dữ liệu của Metric, chỉ trong 3 tháng, số tiền người Việt bỏ ra để mua Labubu qua 5 sàn thương mại điện tử đã lên tới 6,9 tỷ đồng. Trên thị trường, có nhiều thời điểm giới trẻ nối đuôi xếp hàng dài cả ngày lẫn đêm để chờ mua Labubu, khiến các cửa hàng “cháy hàng” chỉ trong tích tắc.

Tại Việt Nam, giá bán của Labubu dao động từ 200.000 đồng đến 22,3 triệu đồng tuỳ phiên bản, theo web chính thức của PopMart. Nhưng để mua được từ cửa hàng chính hãng không phải chuyện dễ vì sản phẩm liên tục trong tình trạng hết hàng.

Vì thế, các “tín đồ” Labubu thường mua kiểu “sang tay” từ người quen hay người bán trên nền tảng mạng xã hội với giá cao hơn nhiều so với giá gốc. Hàng trăm người do đó không tiếc thời gian, công sức xếp hàng mua để được hưởng giá gốc.

Bearbrick – món đồ chơi “siêu đốt tiền”

Bearbrick cũng là một loại đồ chơi đồ chơi lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam, khiến không ít người phát cuồng, trong đó có cả các thần tượng nổi tiếng.

Bearbrick hay còn gọi Be@rBricks là mô hình đồ chơi cao cấp của Công ty MediCom Toy (Nhật Bản). Bearbrick được thiết kế với hình dạng một chú gấu chân dài bụng phệ đáng yêu. Ban đầu, Bearbrick được sản xuất nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhà đạo diễn phim vĩ đại – Stanley Kubrick. Sau đó, Bearbrick nhận được rất nhiều sự yêu mến, được lăng xê bởi các ngôi sao nổi tiếng và trở thành một hiện tượng gây sốt toàn cầu.

Nhiều người “cuồng” Bearbrick tiết lộ, mỗi phiên bản được sản xuất với số lượng có hạn nên nó không dừng lại ở một món đồ chơi thông thường mà còn có giá trị sưu tầm cực cao.

Mô hình Bearbrick được làm từ đa dạng chất liệu nhưng phổ biến nhất như gỗ, nhựa tổng hợp, nhựa dạ quang, kim loại…Tùy theo từng chủ đề của từng bộ sưu tập, Bearbrick sẽ được lựa chọn thiết kế bằng những chất liệu tương ứng.

Bearbrick có cấu tạo khá đơn giản, được tạo hình giống nhân vật lego với các bộ phần: đầu, mình, hông, 2 tay, 2 chân…Các mẫu gấu Bearbrick được tạo hình với nhiều tư thế linh hoạt.

Chính vì mang tính biểu tượng độc đáo mới lạ, không đơn thuần là một món đồ chơi mà còn mang giá trị sưu tầm lớn, đó là sự độc nhất nên Bearbrick có giá rất đắt đỏ. Trên thị trường, giá của mỗi con gấu Bearbrick từ vài trăm nghìn đồng (Bearbrick mini) cho tới vài chục triệu đồng. Đối với những phiên bản giới hạn, giá có thể cao hơn rất nhiều.

Giới trẻ đua nhau 'đốt' tiền mua đồ chơi đắt đỏ về chỉ để ngắm - Ảnh 2.

Bearbrick – món đồ chơi “siêu đốt tiền”. (Ảnh minh họa).

Đặc biệt, Bearbrick phiên bản 50% (35 mm) được đặt trong một “chiếc hộp mù”. Bên ngoài chiếc hộp có hình của 12 thiết kế khác nhau, người sưu tầm sẽ chơi “may rủi” vì họ không biết sẽ nhận được thiết kế nào trong số đó, dẫn tới khả năng bị trùng rất cao.

Mỗi series gồm 24 hộp nhỏ được phát hành vào 2 đợt mùa hè và mùa đông, tùy theo mỗi người sẽ mua lẻ hay cả series. Nếu việc giống nhau cứ lặp lại, việc bổ sung thêm những Bearbrick khác sẽ khá tốn kém.

Những con lớn hơn sẽ không để trong “hộp mù”, nhưng số lượng rất ít và giá cao ngất.

Dù giá cả đắt đỏ nhưng thị trường Bearbrick vẫn phát triển mạnh mẽ. Đã từng có số liệu thống kê cho biết, tại Việt Nam, doanh số bán lẻ của Bearbrick đã tăng lên 200% trong vòng 2 năm qua, đạt khoảng 500 triệu đồng mỗi tháng.

Phát cuồng với đủ loại túi mù

Trên thị trường hiện nay rao bán vô số các loại túi mù, với đủ loại giá khác nhau. Món đồ chơi này trở thành “cơn sốt” hút hồn giới trẻ từ khoảng tháng 5.

Blind box (túi mù, hộp mù) là sản phẩm chứa bên trong những món đồ ngẫu nhiên mà nhà sản xuất lựa chọn. Đó có thể là mô hình con vật, hoa quả, bánh trái hay những nhân vật hoạt hình…đủ hình dáng, màu sắc. Và người mua sẽ chỉ biết đó là đồ gì sau khi bóc túi. Giá của túi mù cũng khá đa dạng, có loại rẻ vài chục nghìn đến trăm nghìn đồng nhưng cũng có loại cao cấp giá lên đến vài triệu đồng/hộp, bất chấp đó chỉ là những sản phẩm để trưng bày, không có nhiều công dụng.

Điều cuốn hút và cũng được coi là nguy hiểm nhất của túi mù là làm cho người mua không kiểm soát được sự hưng phấn, thích thú khi trải nghiệm cảm giác tò mò, chờ đợi xem món đồ bên trong túi là gì. Vì thế, giới trẻ sẵn sàng chi tiền để mua thật nhiều túi mù và mở hộp, dù biết rằng bên trong có thể là món đồ mình không yêu thích, thậm chí là vô dụng. Nếu không tiết chế, người mua có thể chi tới hàng triệu, hàng chục triệu đồng để mua túi mù.

Bạn trẻ Trần Hồng Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thứ hấp dẫn nhất của bline box chính là mang lại cảm giác hồi hộp, bất ngờ. “ Không biết bên trong hộp chứa gì chính là yếu tố thu hút lớn nhất của đồ chơi này. Cảm giác háo hức chờ đợi khi mở hộp giống như một trò chơi may rủi, mang lại những trải nghiệm thú vị, giúp người mua xả stress ”, Ngọc nói và cho biết đây chính là điều thôi thúc người mua liên tục “xuống tiền”.

Giới trẻ đua nhau 'đốt' tiền mua đồ chơi đắt đỏ về chỉ để ngắm - Ảnh 3.

Các sản phẩm túi mù ngập tràn tại các phiên livestream và gian hàng trên sàn thương mại điện tử.

Đồ chơi trong túi mù có kích thước đa dạng nhưng phổ biến nhất là 2-10 cm, giá 3.000 – 20.000 đồng. Những loại đắt hơn có giá vài trăm nghìn đồng, thậm chí là vài triệu đồng. Ví dụ Skullpanda của hãng Popmart, hay bộ sưu tập Labubu cũng của hãng đồ chơi này có giá từ khoảng 300.000 đồng cho đến 21 triệu đồng/hộp và luôn là món đồ được tín đồ Blind box săn đón ở mọi phân khúc.

Nên dừng việc đổ tiền bất chấp

Nói về thực trạng giới trẻ đang đổ quá nhiều tiền cho đồ chơi, chỉ với mục đích trưng bày và thỏa mãn sự tò mò hay “hợp thời”, nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo nguy cơ không thể kiểm soát được túi tiền. Trên thực tế, không ít bạn trẻ phải hạn chế các khoản chi tiêu thiết yếu khác để mua các sản phẩm trong túi mù chỉ để thỏa mãn cảm giác hồi hộp, chờ đợi may rủi. Thậm chí những sản phẩm vô dụng này còn khiến người mua có thể bị chi tiêu quá mức, dẫn đến cạn kiệt tài chính.

Việc chi quá nhiều tiền cho những món đồ chơi không nhiều lợi ích này là quá phí phạm nếu không có sự cân nhắc, kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí, nguy cơ cạn kiệt tài chính có thể xảy ra với những người sa đà “, một chuyên gia khuyến cáo.

Chuyên gia dẫn chứng, giá của một hộp mù có thể lên đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi mở hộp, người tiêu dùng thường là không sử dụng được trong công việc nào đó và sự thú vị, tính giải trí mà chúng mang lại cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Điều này chứng tỏ giá trị sử dụng thực sự của chúng rất thấp, không tương xứng với thời gian và tiền bạc mà người tiêu dùng bỏ ra.

Hay như sự phổ biến, độc lạ của Labubu và Bearbrick cũng mang lại nhiều tác động tiêu cực. Không ít người trẻ đã bị cuốn hút, không kiếm soát được chi tiêu quá khích, gây ra tình trạng tài chính khó khăn. Trên thực tế, không ít gia đình và nhà trường lo lắng về tác động xã hội của các mẫu đồ chơi đắt đỏ này với giới trẻ. Do đó, theo các chuyên gia, để tận hưởng thú vui này một cách lành mạnh, các bạn trẻ cần có sự cân nhắc, kiểm soát kỹ chi tiêu của mình và ngừng đốt tiền một cách vô tội vạ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Video nổi bật trong tuần

Kỳ Duyên lên tiếng chi tiết “được ưu ái” gây bàn tán tại Chung kết Miss Universe

Kỳ Duyên lên tiếng chi tiết “được ưu ái” gây bàn tán tại Chung kết Miss Universe
Cận cảnh nhan sắc “búp bê barbie sống” Đan Mạch đăng quang Miss Universe 2024
Lịch trình làm việc của Thanh Thủy sau khi đăng quang Miss International
Người đẹp châu Á duy nhất được gọi tên trong Top 5 Miss Universe 2024
Hoà Minzy đăng video thừa nhận: “Xin lỗi khán giả, không thể lừa dối mọi người thêm nữa”

bài đăng cùng chuyên mục

Không có bài viết nào được tìm thấy.