Một chuyện không bố mẹ nào muốn xảy ra với nhà mình, đọc thì xót xa nhưng lại chẳng có cách nào thay đổi!
Mỗi gia đình lại có những hoàn cảnh riêng, dù buồn và xót xa nhưng không phải ai cũng thay đổi được điều này.
Tuổi thơ và những năm tháng đầu đời của con luôn đẹp nhất. Lúc này con mới chập chững làm quen với thế giới xung quanh và sẽ thật hạnh phúc nếu luôn có ông bà, bố mẹ kề bên. Thế nhưng, vì kinh tế, cơm áo gạo tiền mà bố mẹ phải đi làm, thêm vào đó nhiều ông bà cũng không có khả năng trông cháu. Lúc này, người được nhờ cậy tới chính là giúp việc.
Bên cạnh những người giúp việc có tâm, yêu thương trẻ con thì có không ít vụ bạo hành, đánh đập trẻ nhỏ nhẫn tâm khiến dư luận rúng động. Chính vì thế, khi đọc được những dòng tâm sự của mẹ bỉm dưới đây, nhiều người không khỏi xót xa.
“Câu chuyện chẳng bố mẹ nào muốn xảy ra với gia đình mình.
Em mình bảo: “Chị có nhớ bà hàng xóm mà vừa trông cháu vừ mang rau từ nhà đi bán ở khu vui chơi dưới nhà không. Hóa ra không phải là bà nội hay bà ngoại đâu mà là “bà tiền”.
Sáng nay, bà lại bận bán rau, mặc kệ bé tự loay hoay trèo lên trèo xuống ghế băng. Đến khi có người qua đường nhắc bà, lúc đó bà mới vội chạy ra bế bé.
Cứ xuống khu vui chơi là biết ngay bé nào có bà chăm, bé nào được giao cho người giúp việc.
Những bé có bà đi cùng thì thường chơi trên thảm cỏ, các bà ngồi cạnh chơi cùng. Còn các bé có người giúp việc, đứa thì chui vào bụi cây, đứa thì bốc đất bốc cát, mãi chẳng thấy ai để ý đến.
Nghe xong mà mình vừa buồn vừa thương các bé, bởi đâu phải ai cũng có điều kiện ở nhà chăm con đến khi lớn.
Ai may mắn thì có bà nội, bà ngoại hỗ trợ, còn không thì thuê người cũng chỉ mong gặp được người tận tâm.
Mỗi ngày đi làm mất cả tiếng trên đường, hít đủ thứ khói bụi, trong khi con ở nhà đôi khi lại thiếu thốn chính khoảng thời gian đó từ cha mẹ. Tuổi thơ của con trôi qua, và những bước đi đầu đời, những khoảnh khắc lón lên từng ngày lại không phải là cha mẹ hay người thân chứng kiến. Nghĩ mà buồn, nhưng vẫn chưa biết phải làm sao để có thể thay đổi được điều này”, mẹ bỉm tâm sự.
Dưới phần bình luận, rất nhiều ý kiến được đưa ra. Một mặt thương những em bé không được quan tâm, yêu thương nhưng mặt khác cũng biết bố mẹ em không còn cách nào. Ai cũng hy vọng người giúp việc nào cũng có tâm, làm đúng trách nhiệm để những em bé không bị thiệt thòi.
Một số khác thì khuyên rằng nếu tìm giúp việc gian nan quá thì bố mẹ có thể cho con học trường tư uy tín từ sớm. Ở trường bé sẽ dần tự lập, học được nhiều kĩ năng mà bố mẹ cũng an tâm hơn.
Làm sao để tìm được người giúp việc ưng ý?
Chị Huyền Trân (sống tại TP HCM), hiện đang làm mẹ của em bé gần 2 tuổi đã chia sẻ loạt kinh nghiệm của bản thân, hy vọng sẽ giúp ích cho các mẹ.
Người giúp việc theo kinh nghiệm
– Giúp việc đã có kinh nghiệm.
– Giúp việc mới vào nghề.
1. Nhóm thứ nhất là những người đã từng làm cho nhiều nhà rồi
Ưu điểm của nhóm giúp việc này là hầu như họ đã quen việc nên có thể bắt đầu làm ngay mà không cần hướng dẫn nhiều. Họ cũng hiểu vai trò của giúp việc trong nhà nên thường sẽ giữ giới hạn với việc riêng của gia đình mình hơn.
Tuy nhiên nhược điểm là do họ có kinh nghiệm nên họ sẽ biết cách né việc. Nói đúng hơn là họ chỉ làm đúng những gì bạn yêu cầu, còn những gì không dặn thì không làm. Và mình cũng chỉ được yêu cầu theo đúng thoả thuận ban đầu, phát sinh thêm thì phải có phụ phí. Thật ra cũng tuỳ người có tâm hay không nữa. Tuy nhiên việc họ làm đúng phần việc được yêu cầu/thỏa thuận cũng hợp lý. Chỉ cần bạn giao việc rõ ràng, thoả thuận chi tiết ngay từ đầu là được.
2. Nhóm thứ hai là những người trước giờ chưa từng làm giúp việc hoặc mới vào nghề chưa lâu
Ưu điểm của nhóm giúp việc này là thường họ sẽ làm việc đa nhiệm, chất phác, tình cảm hơn. Nhược điểm thì họ sẽ cần phải hướng dẫn nhiều, nhất là những người từ quê lên sẽ gặp khó khăn về đường sá hay sử dụng các thiết bị hiện đại. Phần nữa là thỉnh thoảng họ chưa biết cách tế nhị để không xen vào cuộc sống riêng tư của gia đình bạn.
Người giúp việc theo thời gian làm việc
– Giúp việc theo giờ.
– Giúp việc ban ngày.
– Giúp việc ở lại gia đình.
1. Giúp việc theo giờ
Giúp việc theo giờ thường là những người thích tự do, có phương tiện di chuyển và có “mối” để làm hết nhà này đến nhà khác hoặc/và đăng ký trong các app giúp việc để được chọn. Những người này đa số là nhanh nhẹn, thích tự do không ràng buộc. Và họ không muốn có mối quan hệ chủ – người làm công (thay vào đó là người sử dụng dịch vụ – người cung cấp dịch vụ).
Số lượng nhóm người này thì nhiều, tuy nhiên tìm được người làm lâu dài hơi khó. Nhược điểm là khi làm lâu dài, họ tính tiền theo giờ nên đôi khi cố tình câu giờ để được trả phí cao. Phương án này chỉ phù hợp cho những tình huống lâu lâu mới cần dọn nhà một lần hoặc tìm được “mối” làm có tâm.
2. Giúp việc ban ngày
Giúp việc ban ngày là dạng những người có nơi cư trú gần nhà bạn, có phương tiện di chuyển và muốn tách biệt rõ ràng thời gian làm việc – thời gian nghỉ ngơi, có cuộc sống riêng. Dạng này thì chi phí thuê sẽ cao hơn dạng giúp việc ở lại. Do họ phải thuê nhà, di chuyển, ăn uống (giống như làm công ty vậy).
Hình thức này phù hợp với gia đình không muốn có người lạ ở quanh năm trong nhà mình, hoặc những nhà nhỏ không đủ chỗ cho thêm 1 người nữa.
Đa số những người giúp việc nhóm này tương đối trẻ hơn, năng động, nhanh nhẹn, được việc hơn. Tuy nhiên họ có thể có gia đình, cuộc sống riêng nên có thể vẫn bị phân tâm một chút. Nếu tìm được người không vướng bận chồng con thì tốt quá.
Và như đã nói, chi phí thường mắc hơn do phải hỗ trợ thêm các chi phí ăn ở đi lại của họ. Mặt khác, họ chỉ làm ban ngày nên nếu có con nhỏ thì ban đêm không nhờ được. Thường họ cũng sẽ nghỉ chủ nhật nên gia đình nào đi làm vào cuối tuần phải thoả thuận kỹ chỗ này.
3. Giúp việc ở lại nhà
Nhóm này đa số là những người ở quê xa lên các thành phố lớn. Họ chọn ở lại nhà chủ để không phải tốn tiền thuê nhà, tiền ăn, điện nước. Thuê giúp việc dạng này thì sẽ không rõ ràng giờ giấc như hai dạng trên. Mình sẽ nhờ được nhiều hơn (như rửa chén cữ tối, phụ chăm con ban đêm,…).
Chi phí thuê cùng một người giúp việc khi ở lại sẽ thấp hơn là đi-về nhưng bù lại phải bố trí phòng cho họ hoặc chỗ nghỉ phù hợp. Ngoài ra thuê giúp việc dạng này phải chấp nhận nhà mình luôn có người ngoài. Tai vách mạch rừng, nên cần cẩn trọng.
Người giúp việc theo độ tuổi
– Giúp việc trẻ: dưới 35 tuổi.
– Giúp việc già: trên 55 tuổi.
– Giúp việc trung niên: từ 35-55 tuổi.
1. Giúp việc trẻ
Giúp việc trẻ thì nhanh nhẹn, hiệu suất công việc cao nhất. Tuy nhiên do có nhiều lựa chọn công việc hơn nên tỷ lệ gắn bó không cao. Tuổi trẻ cũng có nhiều mong cầu nên dễ bị dính vào rắc rối tiền bạc, tình cảm. Ai hay ghen thì nên né chọn giúp việc trẻ tuổi.
2. Giúp việc lớn tuổi
Giúp việc già thì thường hiền lành, không ngại việc, ít trả treo hơn. Chi phí cho nhóm giúp việc này cũng thấp nhất nên phù hợp với các bạn muốn tiết kiệm tài chính. Tuy nhiên tuổi này sức khoẻ cũng hơi kém nên cũng có những hạn chế.
Các bà cũng khó tiếp thu các kiến thức mới mà hay lén làm theo cách của mình. Nhà nào sử dụng máy móc hiện đại quá cũng không phù hợp với nhóm tuổi này.
3. Giúp việc trung niên
Độ tuổi ưu việt nhất của giúp việc là từ 35 đến 55 tuổi-không quá trẻ cũng không quá già. Càng nghiêng về hướng 35 tuổi hơn thì sẽ có nhiều đặc điểm của nhóm giúp việc trẻ, tương tự với nhóm gần độ tuổi 55.
Người giúp việc theo nhân thân
– Giúp việc chưa từng có gia đình.
– Giúp việc đã ly hôn/goá chồng, con đã lớn.
– Giúp việc đang có chồng con hoặc đã ly hôn/goá chồng nhưng còn nuôi con đi học.
1. Nhóm chưa có gia đình
Nhóm thứ nhất thông thường sống khá thảnh thơi và lý tưởng nhất cho nghề giúp việc. Họ dễ toàn tâm toàn ý cho công việc hơn. Tuy nhiên phụ nữ độc thân ít đi làm giúp việc vì họ thường tự chủ về kinh tế được và sống tự do thoải mái quen rồi. Làm cho con cháu, người quen thôi.
2. Nhóm đã ly hôn
Nhóm thứ hai cũng tốt. Mức độ vướng bận của nhóm này thấp. Trừ khi họ có cháu nhỏ hoặc con cái không tự lo được cho mình.
3. Nhóm đang có chồng hoặc nuôi con nhỏ
Nhóm thứ ba tương đối phức tạp hơn tuy nhiên lại là nhóm khá phổ biến. Cần làm rõ để xác định có phù hợp với mình không.
Ví dụ có chồng nhưng chồng đã nghỉ hưu, vẫn tự lo cho mình được (loại trừ rủi ro nghỉ ngang giữa chừng vì chồng không cho đi làm hay về nuôi chồng bệnh). Nếu chỉ cần phụ việc thời gian ngắn thì không vấn đề.
Hoặc có con còn đi học nhưng ông bà ngoại nuôi, chỉ cần chu cấp tiền. Nên khả năng làm lâu dài để đảm bảo kinh tế nuôi con sẽ cao hơn.
Giúp việc xét theo điều kiện kinh tế
– Giúp việc đang trong tình trạng nợ nần chồng chất.
– Giúp việc có gánh nặng kinh tế (đi làm để nuôi con, nuôi cha nuôi mẹ già).
– Giúp việc gia cảnh bình thường, đi làm để có thu nhập như mọi nghề nghiệp khác.
1. Giúp việc đang nợ nần
Đi làm để trả nợ không có gì xấu. Tuy nhiên mình không đánh giá cao nhóm này vì hàm chứa nhiều rủi ro. Áp lực tiền bạc, chủ nợ sẽ làm họ dễ nảy sinh hành động bộc phát hoặc ức chế.
Cùng nhóm này còn có gia cảnh phức tạp như chồng/con nghiện ngập, cờ bạc, nghiện rượu,… Đôi khi họ không muốn nhưng bản thân bị đặt vào tình thế ép buộc. Do mình có nhờ họ trông con nhỏ, ở nhà không có ai nên đề phòng vẫn hơn.
2. Nhóm có gánh nặng kinh tế
Nhóm có gánh nặng kinh tế thì lại khá tốt vì họ có động lực làm việc ổn định lâu dài hơn, chịu áp lực tốt hơn. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế không khá giả nên họ ít rành máy móc, đồ công nghệ. Ăn uống đơn giản nên cũng dễ hiểu khi họ không biết nấu nhiều món theo yêu cầu của bạn rồi.
3. Nhóm gia cảnh bình thường, đi làm kiếm thu nhập
Nhóm cuối cùng là tốt hơn hết. Tuy nhiên do họ ít áp lực kinh tế nên cũng lựa chọn môi trường làm việc hơn và dễ nghỉ việc khi có “sự cố” với mình. Nhóm này bạn cần chú ý cách cư xử và lời nói để có thể giữ họ làm việc lâu dài. Ngoài ra cũng còn một số cách phân nhóm khác nữa khi đánh giá mức độ phù hợp của giúp việc với mình.
Các mẹ có thể tham khảo và lựa chọn người giúp việc phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tính cách của gia đình nhé.
Nhìn toàn cảnh bữa tiệc ngập tràn màu hồng mà chỉ thốt lên được "quá mê".
bài đăng cùng chuyên mục
Không có bài viết nào được tìm thấy.